18 thg 11, 2015

Bồi nại


Nhà tôi và nhà nội cách có một tấm tường. Bà cũng không phải nội tôi, là em của bà nội ruột. Nội tôi mất khi tôi chưa ra đời, ba dạy tôi kêu bà là nội. Bà nội thương tôi và tôi cũng thương nội.

Cả cuộc đời nội là một câu chuyện dài. Ông cố có tận 9 người con gái. Mỗi người trong số họ là một câu chuyện đời buồn. Nội là con gái út và người đẹp nhất trong số 9 chị em. Nghe các cô sau này kể lại, ngày trước nội đẹp nức tiếng một vùng. Ông bà ta có câu “hồng nhan bạc phận”. Biết bao nhiêu chàng trai trong vùng đến hỏi cưới nhưng cố lúc ấy muốn bắt rể và nội thì kén nên không nhận lời ai.

Cuối cùng các chàng cá độ với nhau xem ai có thể cưa đổ được nội, trong đó một ông lính người Miên chấp nhận thách đố. Các cô kể, ông ta có vẻ ngoài rất xấu, mặt đen đúa lồi lõm khó coi. Nhưng người Miên thì biết dùng ngãi... Chuyện tiếp theo rất dài nhưng cuối cùng thì ông lính kia sau khi đạt được mục đích thì bỏ đi. Cái thai trong bụng nội cũng hư luôn. Từ đó về sau, nội không lấy ai nữa.

Cả một tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh của nội. Người phụ nữ nghị lực phi thường. Một mình có thể gánh chục thùng nước, gánh những vất vả và gánh cả nỗi đau âm ĩ chảy từ quá khứ xa xôi.

Tôi nhớ những ngày còn thơ bé theo nội đi trên con đường có những cánh đồ lúa xanh rì vào gò trồng rau. Nằm trên tàu lá chuối nội cẩn thận lót nhìn ngắm trời xanh. Chiều buông xuống còn ngây thơ hỏi nội:

- Nội ơi, con châu chấu sao giờ vẫn chưa về nhà hả nội? Nó không có mẹ nên không về nhà hả nội? Tội nó quá nội ha.

Tôi nhớ cũng hôm cuối ngày hay đứng ở cửa bên hông nhà kêu thất thanh “Nội ơi qua nhà con!”. Sau đó ngồi chiễm chệ trong lòng nội, kể cho nội nghe một danh sách thực đơn dài những món tôi đã ăn trong ngày. Đều đặn ngày nào cũng vậy…

Tôi nhớ những câu đố láy của nội. Mỗi đêm trước khi ngủ bao giờ cũng úp vào ngực nội giục nội đố thì mới chịu ngủ: Này thì "chái hu" là "chú hai", này thì "thái hiêm" là "thiếm hai", "bồi nại" là "bà nội", ... Hay những câu thơ nội dạy đến giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng:

"Cây tre cầm cuộn đám ruộng bỏ hoang.
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy.
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông.
Giấy trôi sông người ta còn vớt.
Bậu lỡ thời như ớt chín cây,
Ớt chín cây người ta còn hái.
Bậu lỡ thời như nhái lột da,
Nhái lột da người ta còn bắt.
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên,
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh.
Bậu lỡ thời như cánh chim bay,
Cánh chim bay người ta còn bắn.
Bậu lỡ thời như rắn cụt đuôi,
Rắn cụt đuôi người ta còn sợ.
Bậu lỡ thời như nợ kéo lưng,
Nợ kéo lưng người ta còn trả.
Bậu lỡ thời như lửa cháy lan,
Lửa cháy lan người ta còn tưới.
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang.
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn.
Bậu lỡ thời ai muốn bậu đâu!”

Hay:

"Tập tầm vông
Chị lấy chồng, em ở goá
Chị ăn cá, em mút xương
Chị nằm giường, em nằm đất
Chị hút mật, em liếm ve
Chị ăn chè, em liếm bát
Chị coi hát, em vỗ tay
Chị ăn mày, em xách bị
Chị làm đĩ, em xỏ tiền
Chị đi thuyền, em đi bộ
Chị kéo gỗ, em lợp nhà
Chị trồng cà, em trồng bí
Chị tuổi tí, em tuổi thân
Chị tuổi dần em tuổi mẹo
Chị ăn kẹo, em mút cây..."

Tôi nhớ tiếng đập muỗi bình bịch bên ván cờ gánh của hai bà cháu mỗi tối. Vẽ ô cờ trên miếng gạch tàu đẹp nhất trong nhà, hai bà cháu ra đường nhặt đá xanh đá đỏ vào xếp thành quân. Bao giờ tôi cũng thắng. "Chẹt" được một quân hay "gánh" được hai quân của nội, nội lại cười lớn giòn tan. Tiếng cười đó và cả mùi nhan trầm từ chiếc bàn thờ gỗ phía sau lưng, tôi giờ tựa hồ vẫn còn nhớ rõ...

Tôi nhớ những ngày gần giáp Tết. Nội dắt tôi đến miếng ruộng phía trước nhà đã được nội lên giồng giậm nấm. Nội phủ rôm sẵn. Tưới nước rồi bắt tôi giậm lên trên. Nhớ cái lạnh của nước từ thùng tưới rót xuống chân. Nhớ cái nham nhám, êm êm của rôm rạ. Nhớ tới cái lúc mắc tè đái tại chỗ. Nhớ cái tết năm đó, nấm rôm nội tôi trồng thu hoạch nhiều vô kể.

Tôi nhớ vết xẹo dài trên trán phải là do hấp tấp đi tìm nội mà bị đập đầu xuống đá. Vết xẹo nội hay suýt xoa, vết xẹo theo tôi đến suốt cuộc đời. Vết xẹo tôi đã chỉ với chú công an lúc làm chứng minh thư.

Tôi nhớ những hôm mẹ vào mùa cấy, nội rước tôi về từ trường mẫu giáo. Bà nhát gan không dám chở, cứ để tôi ngồi phía yên sau xe dẫn bộ về. Đoạn đường thì xa tít mặc cho tôi có cố kèo nài thế nào đi nữa.

Tôi cũng nhớ mỗi tối hai bà cháu canh giờ cùng coi Trúc Xanh của cô Đỗ Thụy dẫn. Cùng đoán thành ngữ với nhau. Hay những trưa mẹ vắng nhà ở cùng nội nghe cải lương. Lúc chú Minh Vương hay cô Lệ Thủy lên câu vọng cổ là tôi bịt tai lại không nghe.

Tôi nhớ những lời hứa mà nội hứa khi cầm tiền trên tay mua tờ vé số. “Trúng số nội mua hết chợ Bình Chánh, hết chợ Sài Gòn cho con”... Lời hứa từ lúc tờ vé số còn bán giá 2 ngàn mà đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.

Tôi nhớ lúc tôi đi học xa nhà. Mỗi lần nhớ nhà da diết là xách xe chạy về. Bao giờ cũng chạy qua nội trước tiên. Thằng nhỏ ngày nào giờ lớn xác quá chừng mà vẫn được nội hun chùn chụt lên má. Khẽ thì thầm: “Nội khấn ông nội bà nội mày cho mày nhớ nhà mà về không ở trên đó lâu...”

Tôi nhớ một lần đột xuất về nhà thấy nội ngồi giầm hộp sữa Anline đã bón cục mà pha uống. Lặng người rồi rồi tìm chỗ khóc hết nước mắt. Lòng tự hứa sau này đi làm kiếm tiền sẽ không cho nội sống khổ như vậy nữa.

Tôi nhớ cái lưng còng đi lại chậm chạp. Mỗi lần tôi hay trêu. Nhảy lên nhảy xuống bậc tam cấp nhiều lần rồi nói nội:

- Nội làm giống con vầy nè có được không?- Rồi cười kíp mắt nghe nội mắng
- Thằng cha mày, tao cỗng mày nhảy 800 cái còn được.

Giờ thì thì nội nằm đang một chỗ vì cột sống bị thoái hóa nặng do những năm tháng làm việc quá sức. Bác sĩ cũng bảo nội bị ung thư giai đoạn cuối. Hôm đi khám ở bệnh viện người ta khuyên nội sang bệnh viện Ung Bướu tiếp nhận hóa trị. Nội nhất quyết không đi bảo sống đến 70 tuổi là quá nhiều rồi. Một cuộc đời dài đi qua bao chông gai sao cuối đời vẫn không được thanh thản?

Tối nay con cháu gái nhỏ nắm tay tôi thủ thỉ hỏi:

- Sao bà cố ngủ sớm quá vậy Út?
- Bà cố ngủ sớm vì bà cố bị bệnh mà con.
- Chừng nào bà cố hết bệnh, bà cố thức khuya hả Út?
- Ừm
- Vậy chừng nào bà cố mới hết bệnh?

Con nhỏ hỏi có vậy thôi mà tôi buồn quá chừng. Tôi từ nhỏ đã không có bạn, lớn lên bên bà và mẹ. Có thể nói hai người phụ nữ đó là cả tuổi thơ tôi, là tình yêu thương lớn nhất mà tôi có được. Tôi đã quá vô tâm khi lớn lên mà không biết rằng họ sẽ già đi mất. Tự dung cảm thấy cả tuổi trẻ của mình là một tội ác. Nước mắt tự dưng rớt xuống.

Nôi ơi, nội ráng mau hết bệnh. Đợi con đi làm có tiền mua hết chợ Bình Chánh, hết chợ Sài Gòn cho nội, nội nghen...

0 comments:

Đăng nhận xét

© 2011 Welcome to my funeral, AllRightsReserved.

Designed by ScreenWritersArena