Hiển thị các bài đăng có nhãn Je t'aime. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Je t'aime. Hiển thị tất cả bài đăng

30 thg 12, 2017

Chị hủ tíu gõ

Chị hủ tíu gõ không còn ham thích trò chuyện nữa. Đó là điều tôi đã tiên liệu được từ lúc nhìn thấy chiếc smartphone chị mua góp cách đó mấy ngày. Giờ thì lên facebook xem livestream người ta hát với nhau, lướt một dọc từ trên xuống dưới like không sót một post nào kể cả post quảng cáo quần lót nam. Chị bán hủ tiếu gõ đã thôi không còn ham muốn trò chuyện nữa... 

Tối nào đi học về khuya lắc lơ, tôi thường lười lục đục xuống bếp nấu vội gói mì. Để tiện hơn, tôi sẽ tấp vào xe hủ tíu gõ lề đường của chị làm một bụng. Nước lèo thanh (chẳng biết chị cho cái gì) với mấy lát bò viên mỏng tới nỗi tôi đồ rằng nếu thả từ trên lầu xuống chắc nó sẽ bay phấp phới như diều. Được cái ngon và rẻ, chị bán hủ tíu cũng vui vẻ đôn đả nói chuyện này chuyện nọ. 

Và nếu là thường lệ, khi tôi vừa ngồi xuống bàn là sẽ hỏi mấy câu gợi chuyện kiểu như Tết này chị có về quê không thì chắc chắn chị hủ tíu gõ sẽ mừng như bỗng dưng được lên sóng radio trực tiếp yêu cầu bài hát. Lúc đó chị sẽ xởi lởi nói đông nói tây, thuộc lòng? vanh vách như người ta gửi lời chúc đến một danh sách mênh mông cơ mang nào là người với người. Chị sẽ kể chuyện say đến nỗi đến khi tôi đã húp đến giọt nước lèo cuối cùng chị cũng chưa ngừng nói. Nhưng hôm nay chị chỉ nói vỏn vẹn một câu "50/50 em ơi" rồi im bặt.Tiếp tục cấm đầu vào điện thoại xem nốt cái giọng ca chói lóa đặc sản miệt vườn, hát một bài bolero giai điệu quen quen rồi tủm tỉm cười nôm chú tâm ghê lắm. Chị bán hủ tiếu gõ đã thôi không còn ham muốn trò chuyện nữa... 

Cách đó mấy ngày, chị vẫn còn phàn nàn anh chồng của mình bị nghiện "chơi điện thoại" đến lú lẫn. Chị chắc nịch sang năm (tức là 2018) chị sẽ bỏ ảnh mà qua Hàn Quốc xuất khẩu lao động . "Tao sẽ đi, tao tức ổng quá rồi nên tao đi. Giờ qua đó dễ ẹc. Để ở đây ổng làm gì thì làm"- chị dứt khoát. Ấy vậy mà không gặp có 2 ngày chị đã im bặt như anh chồng "nghiện chơi điện thoại" của mình. Bỏ mọi thứ vào thinh không và hòa nhịp với sự sôi động của thế giới số, cách xa nơi này. Nơi có lẽ chị không phải bực mình anh chồng, nơi chị có thể xả một tấn cực nhọc sau nồi nước lèo nghi ngút khói, nơi Hàn Quốc xa xôi có lẽ đã gần hơn... 

Chị bán hủ tíu gõ đã không còn ham muốn trò chuyện nữa... 

Read More

25 thg 3, 2017

Chuyện hẹn hò




Tôi chợt nhớ ra câu này trong quyển Lưỡi. Cái quyển sách tôi đọc hồi tôi thất tình và đọc xong thì muốn đi... cắt lưỡi tình địch ngay. Nhưng chuyện lưỡi lùng lại là một phạm trù khác, chuyện thế nào chắc để sau tôi sẽ kể. Còn giờ thì nói về chuyện hẹn hò trước vậy. 

1. Tôi nghĩ mình thích hợp hẹn hò ở một không gian mở hơn là một khoảng không khép kín. Bởi khoảng không gian đó khiến tôi cảm thấy khá thoải mái để cùng người tôi thích đi dạo, hóng gió và trải lòng với nhau. Giữa hai cá thể tách biệt đang muốn tìm hiểu nhau, chẳng điều gì hay ho bằng có một không gian đủ tốt để khiến một trong hai người cảm thấy gần gũi hơn với người kia. 

Tôi không thuộc dạng người ít nói nhưng với những ai chưa từng gặp hay chỉ tiếp xúc ít lần thì hài hước và ngôn từ của tôi sẽ tự dưng bật chế độ thẹn thùng mà lẩn tránh. Vì thế tôi thường từ chối những lần gặp hai người trong không gian chật hẹp như quán cà phê. Bởi tôi xác định mình sẽ fail trước cả khi làm kiểm tra. 

Tôi không thể hình dung được người ta sẽ nói chuyện gì với nhau lần gặp đầu trong một khôn gian kín mít với một người lạ đang ngồi đối diện mình. Dẫu đó có là người mình thích đi chẳng nữa. Có nhiều người khá giỏi trong khâu ăn nói và sẽ huyên thuyên kể cho đối phương nghe về chuyện của cá nhân mình. Riêng tôi lại cho rằng sự nói về mình nhiều quá trong lần gặp đầu tiên nếu không khéo sẽ trở thành "người thích thể hiện". Tôi không khéo và tôi không thích trở thành một người thích thể hiện.

2. Chuyện tương tự cũng xảy đến nếu hẹn hò trong rạp chiếu phim. Tôi đã có hai lần fail như thế. Đừng dại dột dắt người mình thích đi xem phim. Nội dung của bộ phim ngọt nhạt thế nào cũng không cải thiện được mối quan hệ của bạn là bao. Đừng để mối quan hệ của bạn được quyết định bởi phim ảnh. Một bộ phim dở tệ sẽ khiến cả hai chẳng còn muốn gặp nhau lần nữa. Mỗi người là một thực thể lạ kỳ, họ nghĩ gì và sẽ làm gì ta hoàn toàn chẳng tiên liệu được. Đơn giản như một bộ phim xem chung cũng chưa chắc cả hai cùng thích thì huống hồ gì là một chuyện tình riêng lẻ.

3. Có một sự trùng hợp là trong tất cả những bộ phim tôi đã xem, sau cảnh ăn thì tiếp theo sẽ là cảnh hai nhân vật chính quấn quýt nhau trên giường. Nghĩ lại về lần hẹn hò gần nhất, tôi quả thật có chút liên hệ. Cảm giác ngồi chung một bàn, không dấm dúi vào chiếc smartphone, không cố đảo chiều mắt nhìn quanh để bói ra một câu chuyện để nói, cũng chẳng cần phải cố gắng trở nên thật màu sắc. Bạn ngồi đối diện nhau trên một chiếc bàn, điểm chung của hai bạn là món ăn trước mặt và câu chuyện sẽ xoay quanh đủ thứ trên đời. Bạn vừa ăn, vừa nhìn người kia cũng đang chăm chú ăn. Chiếc môi dính dầu bong bóng như son. Không hẹn mà gợi tình vô cùng tận. Lắm lúc bạn kia ngừng ăn, cố dí sát mặt nó vào mặt bạn vì nó chưa nghe rõ những gì bạn nói. Bạn bất giác giật mình ngượng nghịu và cũng bất giác muốn hôn chết nó. Rồi bạn kể nó nghe về cái nhận định trời ơi về sự liên hệ giữa một bữa ăn và cách ăn nằm. Nó tặc lưỡi:

- Chậc, ước gì...

Bạn ngượng chín mặt mày. Lịt pẹ, chỉ ước thôi sao? lol

4. Tóm lại, tôi vẫn nghĩ mình thích hợp hẹn hò trong một không gian rộng rãi hơn nhưng công bằng mà nói muốn buổi hẹn hò đầu tiên thành công thì cả hai nên cùng nhau đi ăn. Bởi con đường gần nhất đi đến trái tim của mọi đàn ông và cả phụ nữ nữa là con đường đi qua dạ dày. Đừng lo nếu diễn biến tiếp theo trùng khớp với những cảnh phim tôi vừa nói. Con người ta chỉ ngủ với người mình thật sự thấy tin tưởng. Hãy vui vì diều đó! :)

P/S Nếu sau một cuộc hẹn, người kia nhắn cho bạn một cái tin: "Chúng ta liệu sẽ gặp nhau nữa chứ?" Hãy vui lòng xác nhận thẳng để đối phương ngừng nuôi hy vọng nữa. Hãy trả lời "Sure, chắn chắn rồi chúng ta sẽ còn gặp nhau nữa", "Yên tâm đi, lần sau tao sẽ thịt mày" hoặc "Không, chúng ta không hợp nhau. Tao không muốn phí thời gian" hoặc "Seen" và không nói gì nữa. Đừng trả lời lấp lửng "Có lẽ sẽ còn" hay đại loại như thế. Đó là một hành vi bất nhẫn!
Read More

10 thg 9, 2016

Phải làm gì hả em


Phải làm gì để giữ một cuộc tình
Giữ người bên ta ngoan như là trẻ nhỏ
Ngoài kia toàn là mưa gió
Có nơi nào yên ổn như lòng anh?
Đừng đi xa, đừng đi xa em ạ
Thôi thì coi như số phận đã đành
Gắn con người với nhau trong mối dây định mệnh
Gắn lòng mình vào với trời xanh.
Phải làm gì để thôi những quẩn quanh?
Phải làm gì để em vui và chúng mình hạnh phúc?
Phải làm gì để đôi mắt nhìn nhau và biết là tình yêu này có thực?
Phải làm gì để qua những đêm không còn cô độc
Vì ở nơi này anh có em…
Có lẽ là, phải yêu thật nhiều thêm…



Trần Việt Anh
Read More

18 thg 11, 2015

Bồi nại


Nhà tôi và nhà nội cách có một tấm tường. Bà cũng không phải nội tôi, là em của bà nội ruột. Nội tôi mất khi tôi chưa ra đời, ba dạy tôi kêu bà là nội. Bà nội thương tôi và tôi cũng thương nội.

Cả cuộc đời nội là một câu chuyện dài. Ông cố có tận 9 người con gái. Mỗi người trong số họ là một câu chuyện đời buồn. Nội là con gái út và người đẹp nhất trong số 9 chị em. Nghe các cô sau này kể lại, ngày trước nội đẹp nức tiếng một vùng. Ông bà ta có câu “hồng nhan bạc phận”. Biết bao nhiêu chàng trai trong vùng đến hỏi cưới nhưng cố lúc ấy muốn bắt rể và nội thì kén nên không nhận lời ai.

Cuối cùng các chàng cá độ với nhau xem ai có thể cưa đổ được nội, trong đó một ông lính người Miên chấp nhận thách đố. Các cô kể, ông ta có vẻ ngoài rất xấu, mặt đen đúa lồi lõm khó coi. Nhưng người Miên thì biết dùng ngãi... Chuyện tiếp theo rất dài nhưng cuối cùng thì ông lính kia sau khi đạt được mục đích thì bỏ đi. Cái thai trong bụng nội cũng hư luôn. Từ đó về sau, nội không lấy ai nữa.

Cả một tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh của nội. Người phụ nữ nghị lực phi thường. Một mình có thể gánh chục thùng nước, gánh những vất vả và gánh cả nỗi đau âm ĩ chảy từ quá khứ xa xôi.

Tôi nhớ những ngày còn thơ bé theo nội đi trên con đường có những cánh đồ lúa xanh rì vào gò trồng rau. Nằm trên tàu lá chuối nội cẩn thận lót nhìn ngắm trời xanh. Chiều buông xuống còn ngây thơ hỏi nội:

- Nội ơi, con châu chấu sao giờ vẫn chưa về nhà hả nội? Nó không có mẹ nên không về nhà hả nội? Tội nó quá nội ha.

Tôi nhớ cũng hôm cuối ngày hay đứng ở cửa bên hông nhà kêu thất thanh “Nội ơi qua nhà con!”. Sau đó ngồi chiễm chệ trong lòng nội, kể cho nội nghe một danh sách thực đơn dài những món tôi đã ăn trong ngày. Đều đặn ngày nào cũng vậy…

Tôi nhớ những câu đố láy của nội. Mỗi đêm trước khi ngủ bao giờ cũng úp vào ngực nội giục nội đố thì mới chịu ngủ: Này thì "chái hu" là "chú hai", này thì "thái hiêm" là "thiếm hai", "bồi nại" là "bà nội", ... Hay những câu thơ nội dạy đến giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng:

"Cây tre cầm cuộn đám ruộng bỏ hoang.
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy.
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông.
Giấy trôi sông người ta còn vớt.
Bậu lỡ thời như ớt chín cây,
Ớt chín cây người ta còn hái.
Bậu lỡ thời như nhái lột da,
Nhái lột da người ta còn bắt.
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên,
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh.
Bậu lỡ thời như cánh chim bay,
Cánh chim bay người ta còn bắn.
Bậu lỡ thời như rắn cụt đuôi,
Rắn cụt đuôi người ta còn sợ.
Bậu lỡ thời như nợ kéo lưng,
Nợ kéo lưng người ta còn trả.
Bậu lỡ thời như lửa cháy lan,
Lửa cháy lan người ta còn tưới.
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang.
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn.
Bậu lỡ thời ai muốn bậu đâu!”

Hay:

"Tập tầm vông
Chị lấy chồng, em ở goá
Chị ăn cá, em mút xương
Chị nằm giường, em nằm đất
Chị hút mật, em liếm ve
Chị ăn chè, em liếm bát
Chị coi hát, em vỗ tay
Chị ăn mày, em xách bị
Chị làm đĩ, em xỏ tiền
Chị đi thuyền, em đi bộ
Chị kéo gỗ, em lợp nhà
Chị trồng cà, em trồng bí
Chị tuổi tí, em tuổi thân
Chị tuổi dần em tuổi mẹo
Chị ăn kẹo, em mút cây..."

Tôi nhớ tiếng đập muỗi bình bịch bên ván cờ gánh của hai bà cháu mỗi tối. Vẽ ô cờ trên miếng gạch tàu đẹp nhất trong nhà, hai bà cháu ra đường nhặt đá xanh đá đỏ vào xếp thành quân. Bao giờ tôi cũng thắng. "Chẹt" được một quân hay "gánh" được hai quân của nội, nội lại cười lớn giòn tan. Tiếng cười đó và cả mùi nhan trầm từ chiếc bàn thờ gỗ phía sau lưng, tôi giờ tựa hồ vẫn còn nhớ rõ...

Tôi nhớ những ngày gần giáp Tết. Nội dắt tôi đến miếng ruộng phía trước nhà đã được nội lên giồng giậm nấm. Nội phủ rôm sẵn. Tưới nước rồi bắt tôi giậm lên trên. Nhớ cái lạnh của nước từ thùng tưới rót xuống chân. Nhớ cái nham nhám, êm êm của rôm rạ. Nhớ tới cái lúc mắc tè đái tại chỗ. Nhớ cái tết năm đó, nấm rôm nội tôi trồng thu hoạch nhiều vô kể.

Tôi nhớ vết xẹo dài trên trán phải là do hấp tấp đi tìm nội mà bị đập đầu xuống đá. Vết xẹo nội hay suýt xoa, vết xẹo theo tôi đến suốt cuộc đời. Vết xẹo tôi đã chỉ với chú công an lúc làm chứng minh thư.

Tôi nhớ những hôm mẹ vào mùa cấy, nội rước tôi về từ trường mẫu giáo. Bà nhát gan không dám chở, cứ để tôi ngồi phía yên sau xe dẫn bộ về. Đoạn đường thì xa tít mặc cho tôi có cố kèo nài thế nào đi nữa.

Tôi cũng nhớ mỗi tối hai bà cháu canh giờ cùng coi Trúc Xanh của cô Đỗ Thụy dẫn. Cùng đoán thành ngữ với nhau. Hay những trưa mẹ vắng nhà ở cùng nội nghe cải lương. Lúc chú Minh Vương hay cô Lệ Thủy lên câu vọng cổ là tôi bịt tai lại không nghe.

Tôi nhớ những lời hứa mà nội hứa khi cầm tiền trên tay mua tờ vé số. “Trúng số nội mua hết chợ Bình Chánh, hết chợ Sài Gòn cho con”... Lời hứa từ lúc tờ vé số còn bán giá 2 ngàn mà đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.

Tôi nhớ lúc tôi đi học xa nhà. Mỗi lần nhớ nhà da diết là xách xe chạy về. Bao giờ cũng chạy qua nội trước tiên. Thằng nhỏ ngày nào giờ lớn xác quá chừng mà vẫn được nội hun chùn chụt lên má. Khẽ thì thầm: “Nội khấn ông nội bà nội mày cho mày nhớ nhà mà về không ở trên đó lâu...”

Tôi nhớ một lần đột xuất về nhà thấy nội ngồi giầm hộp sữa Anline đã bón cục mà pha uống. Lặng người rồi rồi tìm chỗ khóc hết nước mắt. Lòng tự hứa sau này đi làm kiếm tiền sẽ không cho nội sống khổ như vậy nữa.

Tôi nhớ cái lưng còng đi lại chậm chạp. Mỗi lần tôi hay trêu. Nhảy lên nhảy xuống bậc tam cấp nhiều lần rồi nói nội:

- Nội làm giống con vầy nè có được không?- Rồi cười kíp mắt nghe nội mắng
- Thằng cha mày, tao cỗng mày nhảy 800 cái còn được.

Giờ thì thì nội nằm đang một chỗ vì cột sống bị thoái hóa nặng do những năm tháng làm việc quá sức. Bác sĩ cũng bảo nội bị ung thư giai đoạn cuối. Hôm đi khám ở bệnh viện người ta khuyên nội sang bệnh viện Ung Bướu tiếp nhận hóa trị. Nội nhất quyết không đi bảo sống đến 70 tuổi là quá nhiều rồi. Một cuộc đời dài đi qua bao chông gai sao cuối đời vẫn không được thanh thản?

Tối nay con cháu gái nhỏ nắm tay tôi thủ thỉ hỏi:

- Sao bà cố ngủ sớm quá vậy Út?
- Bà cố ngủ sớm vì bà cố bị bệnh mà con.
- Chừng nào bà cố hết bệnh, bà cố thức khuya hả Út?
- Ừm
- Vậy chừng nào bà cố mới hết bệnh?

Con nhỏ hỏi có vậy thôi mà tôi buồn quá chừng. Tôi từ nhỏ đã không có bạn, lớn lên bên bà và mẹ. Có thể nói hai người phụ nữ đó là cả tuổi thơ tôi, là tình yêu thương lớn nhất mà tôi có được. Tôi đã quá vô tâm khi lớn lên mà không biết rằng họ sẽ già đi mất. Tự dung cảm thấy cả tuổi trẻ của mình là một tội ác. Nước mắt tự dưng rớt xuống.

Nôi ơi, nội ráng mau hết bệnh. Đợi con đi làm có tiền mua hết chợ Bình Chánh, hết chợ Sài Gòn cho nội, nội nghen...
Read More

22 thg 5, 2015

Cô ấy (11)




"Anh có yêu em không?"
"Câu trả lời dài lắm, anh sẽ phải chuẩn bị cả đời để nói cho em nghe, em đã chuẩn bị tốt để nghe chưa?"
Read More

© 2011 Welcome to my funeral, AllRightsReserved.

Designed by ScreenWritersArena