Tôi đến Sa Pa vào một ngày đẹp trời đầu tháng 12 của năm 2015, trước khi đi tôi đã được mọi người dặn dò kĩ là hãy tận hưởng và mang về cho họ những nhành cây đóng băng như pha lê. Tiếc rằng, thời tiết ở Sa Pa lúc đó chỉ 9 độ, không đủ điều kiện để tuyết có thể rơi và cây cối bắt đầu đóng băng nhưng với một thằng con trai miền Nam lần đầu đến Tây Bắc, 9 độ C là quá đủ để có thể cảm nhận hết về một Sa Pa của những ngày đầu đông.
Tại sao lại gọi là Sa Pa? Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức "bãi cát" do trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ "Sa Pả", người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa.
Đến với Sa Pa lần đầu tiên hay có thể là nhiều lần sau đó nữa thì chắc chắn bạn cũng vẫn cứ bỡ ngỡ về một vẻ đẹp liêu trai mà chỉ Sa Pa mới sở hữu được. Những ngôi biệt thự cổ của người Pháp để lại cạnh những ngôi nhà hiện đại hay những con đường lát đá chạy quanh thị trấn vào đông như khoác thêm một bộ váy màu xám bạc từ lớp sương dầy đặc. Từng lớp sương sà sát mặt đất, chạy quanh những con đường, len lỏi vào từng ngõ ngách Sa Pa, đậu trên vai người hay tinh nghịch chơi trò cướp bắt với du khách bằng cách che khuất tầm nhìn của họ…
Đến Sa Pa, bạn nhất định phải leo lên sân ngắm mây của khu du lịch Núi Hàm Rồng ở độ cao khoảng 1.800m để phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thung lũng Sa Pa huyền ảo thoắt ẩn thoắt hiện trong những cụm mây trắng bồng bềnh theo gió. Để thi nhau đoán hình dạng những đám mây muôn hình vạn trạng thông dông bay trên bầu trời như thách thức trí tưởng tượng của du khách. Rồi thả mắt ngắm nhìn ngọn núi hùng vĩ mang dáng dấp rõ nét của một chiếc đầu rồng tạc bởi thiên nhiên.
Đêm ở Sa Pa lạnh khủng khiếp, sương phủ trắng khắp thị trấn. Người người qua lại, tay nắm tay giấu mình trong những chiếc áo bông dày cộm. Người áo vải phong phanh thì co cúm rúm người lại giữa cái lạnh 9 độ C. Tôi đi giữa dòng người đó, thích thú trước từng làn khói mỏng thoát ra từ cổ họng tựa như mấy bác hàng xóm đứng tuổi vẫn ngồi với nhau phê pha rít vài ngụm thuốc lào rồi phì phào thở khói tràn ra khỏi miệng. Tôi bước chân trên những con đường lát đá, cố nhìn nhân dạng của người bạn đi trước mình vài bước chân bị lớp sương dầy che mất.
Hai bên đường bày la liệt những manh vải chất đầy thổ cẩm dệt bằng đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Dao và H'Mông. Các bà, các chị giọng ngọng nghịu như con nít mới tập nói rối rít mời khách mua hàng. Tất cả họ đều đã đi một quãng đường rất dài từ những bản làng ẩn sau những dãy núi để đến được trung tâm thị trấn. Những món thổ cẩm màu sắc sặc sỡ đặc trưng vùng cao mà giá lại rẻ như cho vì người dân tộc chẳng ai nói thách bao giờ chắc chắn sẽ lôi kéo sự chú ý của bạn.
Sa Pa không chỉ lôi cuốn tôi bởi vẻ đẹp hệt một bức tranh vẽ chì hay những món hàng thổ cẩm và những lời mời gọi ngọng nghịu mà dễ thương của người dân tộc mà còn thu hút tôi bởi những món ngon của nơi này. Thật không gì bằng nếu vào những đêm lạnh đến có thể là âm độ, bạn ngồi cùng bạn bè quây quần bên bếp lửa đỏ than chờ người bán hàng nướng chín một quả bắp hay một củ khoai. Cầm chúng lên qua lớp bao tay dầy mà vẫn thấy nóng hôi hổi.
Một người bạn của tôi khi từ Sa Pa trở về đã viết lên trang mạng xã hội của anh ấy dòng cảm xúc “Đến Sa Pa hãy ăn thịt nướng!” kèm theo tấm ảnh những xiên thịt ngon lành xì xèo trên bếp than hồng. Đúng vậy, món thịt nướng ăn kèm lá ô dây chua chấm tương là ngon nhất rồi. Lá ô dây giòn giòn, chua chua ăn thích ơi là thích. Một món nữa mà nếu đến Sa Pa chưa thưởng thức qua là một thiếu xót lớn, hãy ngồi cùng nhau bên nồi Thắng Cố nghi ngút khói vừa nhâm nhi vài ly rượu táo mèo vừa hàn thuyên cùng bằng hữu để thưởng thức trọn cả một Sa Pa vào lòng. Vì người ta chẳng vẫn thường hay bảo, để hiểu rõ một nơi nào đó, cách tốt nhất là thưởng thức nền ẩm thực của nơi đó hay sao?