Welcome to my funeral

2 thg 8, 2024

Em đã bao giờ?

"Em đã bao giờ có cảm giác như cả thế giới này đang bỏ rơi em một mình ở phía sau, có cảm giác khi nhìn mỗi góc ở căn phòng em đang ngồi đều thấy như không gian đang thu hẹp lại, bị thuyết phục rằng y phục của em đã cũ đi rất nhiều sau một đêm, rằng hình bóng của em hiện lên trên mỗi tấm gương giống như một vai diễn tội nghiệp vì không có khán giả, mà tất cả những thứ đó đều không mang lại được cảm giác yêu ổn nào khi nghĩ rằng em chẳng yêu ai mà cũng chẳng có ai yêu em, rằng tất cả những thứ chẳng là gì đó chỉ là sự trống rỗng trong cuộc sống của chính em không?"
Read More

25 thg 5, 2024

Những vết sẹo


1. Vết sẹo trở trán bên phải. Hồi nhỏ đi theo nội ra đồng chơi mà giả bộ say rượu đi liểng xiểng. Đầu đập vào thềm nhà, đau quá mà ngất. Mãi sau này nội mình vẫn hay sờ lên vết sẹo mà suýt xoa  vì cảm thấy đó là lỗi không trông coi mình kĩ. 

2. Một vết sẹo ở đầu gối bên phải. Hồi nhỏ nhảy từ bao lúa xuống, đầu gối cứa vào bàn đạp số sắt. Máu lênh láng, nội phải nhai lá sống đời đấp vào để cầm máu trước khi đưa đến trạm xá, khâu 5 mũi. 

3. Một vết sẹo mổ ruột thừa ở bụng. Hồi đó ngay mùa thi, cô giáo dạy hóa bảo mình rầu quá nên thúi ruột. Duyên dáng lắm!

4. Một vết sẹo ở gót trái. Mình quen đi xe số nên lái tay ga không kịp phản ứng, xe vọt mạnh và thắng gấp nên ngã ngay trước cổng nhà. Xe đè lên chân, không ai kịp đỡ. Đau quá mình kéo chân ra thì bị thương. Nội lúc đó thấy thế khóc quá trời, vừa lấy bông gòn cầm máu vừa bảo về nhà còn bị vậy thì lỡ ra đường biết phải làm sao. 

5. Một vết sẹo trong tim. Hồi nội mất. Mãi mãi không bao giờ lành lặn lại được.

Read More

19 thg 12, 2023

Những sáng mùa đông năm ấy

Nhớ lại những ngày lạnh lẽo hiếm hoi của Sài Gòn như vầy, nội tôi thường sẽ dậy muộn hơn mọi khi. Bà mặc chiếc áo len sờn lông màu đỏ lựu đã cũ co ro trong chiếc chăn bông còn cũ hơn. Ngày nào đi làm, tôi cũng chật vật thức dậy chuẩn bị quần áo nhưng sang thấy nội còn nằm trên giường là sẽ hí hửng chui tót vào chăn. Bà sẽ ôm tôi thật chặt, thoa thoa cái lưng tôi rồi chốc chốc lại thỏ thẻ "lạnh quá, lạnh quá, con có lạnh không?".

Ở một nơi có lẽ lạnh hơn nơi này, không biết nội tôi ở đó có còn dậy muộn nữa không?

Read More

12 thg 12, 2023

Bạn có thật sự biết mình thuộc về điều gì?

Disclaimer: Tôi nghĩ bài đăng này sẽ khá dài và hơi khó hiểu với một số bạn dị tính và cả đồng tính của tôi. Tôi không có quá nhiều bằng chứng khoa học để có thể giải thích kĩ càng mà thậm chí ngay cả bản thân tôi đây cũng đang trên hành trình khám phá nó nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn share nó trong sự hiểu biết, trải nghiệm và tìm hiểu có giới hạn của mình đến mọi người vì tôi tin là ở ngoài kia cũng sẽ có những người chưa thật sự biết bản thân thuộc về điều gì.




Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này thông qua một ví dụ để bạn có thể dễ hình dung.

Bạn biết ở các nước phương Tây, người ta thường tổ chức các bữa tiệc tiết lộ giới tính của các em bé trong bụng mẹ chứ? Các buổi tiệc này thường sẽ sử dụng màu sắc để minh hoạ, ví dụ như: xanh sẽ là bé trai, hồng sẽ là bé gái.

Dĩ nhiên giới tính sẽ không hề quyết định bản dạng giới của đứa nhỏ sau này. Nhưng tôi nhắc đến điều này bởi sự mặc định hay gọi là “dán nhãn” lên nhận định của mọi người. Như xanh là trai, hồng là gái. Con trai thì mạnh mẽ, con gái thì yếu đuối, nhu mì vân vân & mây mây. Và chính điều này trở thành sự mặc định cho bất kì tiêu chuẩn nam tính hay nữ tính nào trong xã hội.

Cộng đồng LGBTQ+ là một nhóm thiểu số bên trong một xã hội rộng lớn mà dị tính chiếm phần đa số. Tôi dùng quan điểm cá nhân để nhận định rằng chiếc chuẩn mực xây dựng từ biết bao nhiêu đời qua này ít nhiều có ảnh hưởng đến cộng đồng - dù LGBTQ+ vốn được xem xét là một cộng đồng tương đối cởi mở.

Bởi vì những tiêu chuẩn dị tính đó, mô hình LGBTQ+ mà tôi lấy ví dụ bằng chữ G cũng có chuẩn mực tương tự: top phải mạnh mẽ menly, bottom đáng yêu trắng trẻo. Những người không theo được các tiêu chuẩn đó, dẫu không bị bài trừ nhưng bị “kì thị” bằng các từ ngữ chẳng hay ho gì: top gồng, top nhắc hay đại loại “nhìn ảnh menly vậy mà là bot đó”, “bóng giả trai đụ nai đụ bò”

Tôi mừng ghê nếu bạn đã vượt qua được đoạn dẫn nhập dài dòng ở trên bởi vì điều tôi sắp nói dưới đây sẽ khiến bạn bất ngờ. Tôi không thuộc chữ G, tôi không phải GAY.

Vậy tôi là ai?




Cho tôi hỏi bạn có “tự tin” về bản thân tôi không? Một số người sẽ nói “có, tôi rất!”, một số người sẽ chần chừ bởi “sự tự tin còn xét ở nhiều yếu tố”. Nhưng nếu bạn là dị tính hay thâm chí là đồng tính và biết rất rõ mình thuộc chữ cái nào, tôi tin chắc bạn phải sở hữu đến 50% sự tự tin trong người. Bởi biết rõ mình là ai thì mới tự tin biết mình muốn gì. Bạn tự tin tôi là con gái thì chắc chắn bạn biết bạn thích và hợp với điều gì, màu bạn thích, gu bạn trai của bạn như thế nào. Tuy nhiên với tôi, cách đây một năm trước, tôi không hề tự tin vì tôi không biết tôi thích gì cả. Thật!

Tôi hay dùng từ “trải nghiệm lần mò” để minh hoạ cho giai đoạn trước đó. Trải nghiệm thông thường sẽ mang yếu tố 50-50 nhưng chắc chắn bạn biết rõ bạn muốn thử thì bạn mới thử. Còn “trải nghiệm lần mò” của tôi là tôi không biết tôi thích gì nên tôi thử tất để tìm ra thứ tôi thật sự thích. Nếu vấn đề của bạn hiện tại chỉ xoay quanh câu hỏi “tôi đến thế giới này vì điều gì” thì tôi còn phải quay ngược lại để tìm lời giải thêm cho 1 câu hỏi "tôi là ai".

Giờ thì bạn hiểu từ “tự tin” mà tôi nói ở trên là để giải thích cho vấn đề gì rồi đúng không?

Tôi từng cố gắng chọn chữ G trong nhóm LGBTQ+ để thuộc về trong suốt một thời gian dài nhưng lúc nào cũng thấy “cấn”. Tôi quá “nhõng nhẽo” để có thể là TOP nhưng tôi không đủ “mềm” để là BOTTOM và cũng không hoàn toàn là VERSATILE vì những “trải nghiệm” của tôi vượt qua hơn thế. Nhưng chữ G phù hợp với giai đoạn phát triển lúc đó của tôi hơn là BISEXUAL vì ít nhiều gì nó cho tôi chút “an toàn” còn hơn suốt ngày phải nghe những kỳ thị chói tai.

Nhưng vào năm rồi, trong hành trình “cứu” bản thân mình khỏi trầm cảm bằng cách thực tập self-awareness, vũ trụ mang đến cho tôi một người bạn giúp tôi biết thế giới này có một cộng đồng là Queer (chữ Q trong LGBTQ+) và nó bao dung tất cả những người khác biệt ngoài kia.


Queer không dán nhãn lên bất kì xu hướng tính dục nào, không “đánh giá” bạn ở vẻ bề ngoài, không kì thị bạn khi bạn tiết lộ sở thích dị biệt hay cá tính khác thường,… LGBTQ+ vốn là một cộng đồng thiểu số rồi mà Queer lại là nhóm thiểu số trong nhóm thiểu số đó. Nhưng cộng đồng Queer lại nổi trội và "thuần chất" nhất về cái gọi là “cởi mở” và “chấp nhận mọi sự khác biệt” mà cộng đồng LGBTQ+ đang cổ vũ.

Trong hiểu biết và nhìn nhận của tôi, Queer sẽ được biểu hiện trong một vài hình thái như vầy, để bạn dễ hình dung nha:

+ Một người đàn ông có vợ và con nhưng có sở thích mặc váy và mang giày cao gót
+ Một bạn nhìn bottom rặc nhưng có thể quen và yêu con gái bình thường
+ Trường hợp khác là cả 3 người cùng yêu lẫn nhau và sống chung trong một gia đình.


Bạn có thể thấy hơi “dị” đúng không? Có nhiều bạn cũng không chấp nhận được chuyện này nhưng bạn đọc lại phần phía trên tôi nói đi: queer bao dung & cởi mở mà không đánh giá việc bạn là ai, thích gì và làm gì kia mà!

Và bạn có tin là khi tôi nghe đến nhóm người này, trong đầu tôi tự dưng sáng bừng lên không? Giống như bạn tự dưng được upgrade lên một phiên bản premium hơn và unlock hết tất cả những thứ bạn thấy “cấn” mà không biết tại sao. Và khi biết có cả một cộng đồng Queer đang tồn tại ngoài kia, trong tôi tự dưng dấy lên một sự “tự hào” vô cùng khó tả. Cái "tự hào" mà người ta hay nhắc đến ấy khi nói về cộng đồng mà trước giờ tôi chưa thật sự hiểu rõ.

Tôi tự hào vì tôi tìm ra được bản dạng giới thuộc về tôi và phù hợp hoàn toàn với tôi. Tự hào vì ở ngoài kia có một cộng đồng giống y như vậy tồn tại và tôi thuộc về dù tôi chẳng biết nhóm đó gồm những ai. Tự hào hơn là tôi không phải khổ sở vì nghĩ bản thân dị biệt hay khác biệt gì sất, tôi cũng giống như những người khác dù chỉ là vài người không hơn thôi.

Dĩ nhiên là đến tận hiện tại, gần 1 năm hơn, tôi vẫn đang trên hành trình khám phá bản dạng giới mới của tôi, tập chấp nhận không dán nhãn bên bất kì điều gì hay bao dung với mọi sự khác biệt. Nhờ đó mà chứng trầm cảm của tôi cũng dần dần tiêu biến một chút và tôi lấy lại được sự tin vốn có.

Tương lai chưa nói trước được điều gì nhưng ít nhất là hiện tại đã có một direction vững vàng để tôi đi. Mong rằng mọi người ngoài kia, nếu đọc được bài viết này xin cũng đừng quá bất ngờ mà hãy tập chấp nhận đừng dán nhãn, tôn trọng mọi sự khác biệt so với đám đông. Còn nếu bạn đang gặp vấn đề tương tự tôi thì sau bài viết này welcome bạn đến với cộng đồng Queer!
Read More

Vì đồ ăn cũng có câu chuyện

Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ vẫn thường theo nội ra đồng. Trên cái mương chính tay nội đắp có trồng mấy bụi khoai mì xanh xanh, nội thường cắt vài tờ lá chuối cẩn thận lót cho tôi ngồi chơi dưới gốc khoai mì rồi làm việc. Đến lúc trưa về, tôi đã thấy trên tay nội cầm sẵn mấy củ khoai to đùng.

Thật sự khoai mì làm được rất nhiều món, nhưng tôi vẫn thích nhất là món khoai mì trộn mỡ hành. Thứ hương vị tuổi thơ thời còn khó khăn đó, mãi sau này vẫn cứ theo tôi lớn mãi cho đến lúc trưởng thành.

Củ khoai mì lớn đủ 3 tháng hoặc 6 tháng sẽ rất đầy đặn mà không bị sượng. Lột vỏ rồi nấu chín. Sau đó đánh tơi ra như bột rồi trộn với mỡ hành, nêm chút muối, đường, bột ngọt. Cho thêm cơm dừa bào nhuyễn. Đâm nước mắm tỏi chua ngọt kèm với một rổ rau sống tươi là có một bữa ngon.

Lúc ăn, cuốn một muỗng khoai mì với rau sống rồi chấm nước mắm chua chua ngọt ngọt. Vị ngòn ngọt mà beo béo của khoai mì với nước mỡ hành, miếng tép mỡ thắng vừa lửa giòn rụm, béo ngậy dậy mùi hành lá thơm thơm hòa quyện với nhau. Rau sống ăn kèm và nước mắm giúp món này đỡ ngán và tăng kích thích vị giác.

Cứ thế mà cuốn này đến hết cuốn khác. Ăn không ngơi nghỉ. Món này ngon và đặc biệt ở chỗ ăn mau no mà lại lâu đói, sẽ hợp với túi tiền sinh viên lắm. 

Vào chủ nhật vừa rồi khi tôi về nhà lại được mẹ làm món này cho ăn, vẫn hương vị quen thuộc ngày nào và tự dưng thấy nhớ nội diết da. 

Read More

11 thg 12, 2023

Cáu thế nhở

 Bạn này, bạn thấy cái lỗi font ở blog tôi không? Ở đầu tiêu mục giới thiệu, cả phần tiểu sử Xem hồ sơ. Cái blog dẩm dơ này, cáu thế nhờ!!!!





Read More

8 thg 6, 2023

Chọn chữa lành từ những bữa cơm nhà



Hôm nay là ngày thứ ba tôi bắt đầu một hành trình mới tại một môi trường mới. Ngày tôi bắt đầu trở lại nấu cơm nhà và mang theo để ăn trưa. Người ta bảo cần khoảng 21 ngày để hình thành một thói quen mới và chắc nấu ăn trưa đã trở thành một thói quen của tôi rồi.
 
Trong hành trình chữa lành của tôi, người ta bảo nên bắt đầu biết cảm ơn dù là nhỏ nhất và lựa chọn những điều tích cực khiến bản thân thấy vui vẻ và hạnh phúc. Với tôi, nấu ăn là một trong những điều như thế (à, cần loại trừ việc rửa bát ra nhé).
 
Tôi bắt đầu tập trung hơn vào nấu nướng khi tôi mất đi Noel. Bạn biết không, vào cái ngày mà tôi ẵm em ấy rệu rã trên tay đến bệnh viện và ngồi một mình chờ bác sĩ khám cho em, tôi chợt nhận ra mình không hề ổn một chút xíu nào. Ngày đầu tiên sau khi em mất, tôi trở về nhà không thấy em ấy đâu, tôi mới cảm nhận sự trống trải và cô độc của bản thân biết nhường nào.
 
Những ngày trầm mình trong buồn bã đó, tôi đã xách xe vào siêu thị và bắt đầu hành trình nấu nướng tự thân. Nấu những món mà tôi thích, ăn những thứ khiến tôi khỏe hơn và thậm chí nấu cho những người mà tôi yêu mến. Tôi nấu gần như mỗi ngày, thậm chí khi tôi thấy mỏi mệt nhất và không muốn ăn gì, thậm chí là lúc 11 - 12 đêm vẫn hí hoáy xào xào nấu nấu.
 
Tôi thích cái cách một món ăn ra đời bởi bàn tay mình và mọi người yêu thích nó. Tôi thích cái cách não bộ của tôi phân tách và suy tính quản lý thời gian như thế nào để nấu được một món chính, một món xào và một món canh trên cùng một chiếc bếp. Câu hỏi "hôm nay ăn gì?" biến đổi thành "hôm nay nên nấu món gì đây?" cũng tự nhiên thành tích cực và chủ động quá đỗi.
 
Hôm nay lên pantry ăn trưa cùng những gương mặt xa lạ, mọi người nhìn vào hộp cơm trưa của tôi với cơm gạo lứt, đùi gà kho, dưa gang muối xào và canh bí đỏ mà trầm trồ. Tự dưng thấy hãnh diện quá!

Ai đọc được bài viết này, hẹn bạn một dịp nào, chúng ta cùng ăn một bữa cơm nhà nhé!
Read More

© 2011 Welcome to my funeral, AllRightsReserved.

Designed by ScreenWritersArena