9 thg 2, 2016

Cố nhân


Bạn nhớ B trong bài "Thích" tôi viết hồi tháng 6 năm rồi không? Trời ạ, tôi tìm thấy Facebook của anh ta rồi. Bỏ qua hoàn cảnh tìm ra Facebook của cậu chàng. Chẳng mấy tốt đẹp gì nếu tôi nói tôi tìm ra nó trong một trang web đen mà chủ nhân của đoạn videos bị rò rĩ chẳng ai khác ngoài người tình trong mộng của tôi thì không tốt cho lắm. 

Chết mẹ! Tôi lỡ nói ra rồi...

Nhưng không sao, với tôi, chuyện đó chẳng nhầm nhò con mẹ gì hết. Vì thế nào rồi một ngày đứa nghiện chat sex như tôi cũng góp phần tăng doanh số cho một trang web sex nào đó thôi. Chuyện đáng để tâm đến là cuối cùng thì tôi cũng tìm ra được người mình rất thích. Một phiên bản (mặt) khác của người mình rất rất thích (lol). Không thể tin được vào duyên số cũng không thể tin vào trí nhớ về một gương mặt chỉ gặp một lần duy nhất trong đời. Nhưng hình xăm đặc biệt và cái bàn tay đó chắc chắn không lẫn vào đâu được. Lần gặp đó chẳng biết cơ man nào, trong lúc âu yếm và trao cho nhau những chiếc hôn sâu, tôi đặc biết chú tâm vào những hình xăm trổ đầy cơ thể đó. May mà giờ đã gặp được rồi. Cái hình xăm (gương mặt) tuyệt đẹp đó. May là đã tìm thấy nó rồi...

Tôi giờ mới phát hiện, hóa ra Thị trấn Buồn Tênh không chỉ gói gọn trong một không gian chật chội và ẩm ướt của cái phòng xông hơi nhỏ bé đó. Nó to lớn vĩ đại và có sức lây truyền ghê gớm. Đến nỗi khi bắt gặp một cư dân ở trong đó, bạn có thể bỗng dưng vỡ òa và xuyên không về một vùng không gian nhỏ hẹp. Chỉ mình bạn và thứ ánh sáng mờ tịt não nề. Chỉ mình bạn và mớ hơi nước bốc lên bức rức. Chỉ mình bạn lõa lồ không quấn trên mình bất cứ thứ gì. Chỉ mình bạn và kiểu cô đơn rất... bê đê. Để bạn lấy lại chút dè dặt của ngày xưa, khi cố cưỡng lại chiếc hôn khốn kiếp của người kia mà không dám nhấn pm để hỏi. Sao ngày đó, xin số tui chi mà không gọi vậy chèn...

P.S Người trong hình, đã có người yêu ...

Read More

24 thg 1, 2016

Một chút về Sa-Pa-của-tôi


Tôi đến Sa Pa vào một ngày đẹp trời đầu tháng 12 của năm 2015, trước khi đi tôi đã được mọi người dặn dò kĩ là hãy tận hưởng và mang về cho họ những nhành cây đóng băng như pha lê. Tiếc rằng, thời tiết ở Sa Pa lúc đó chỉ 9 độ, không đủ điều kiện để tuyết có thể rơi và cây cối bắt đầu đóng băng nhưng với một thằng con trai miền Nam lần đầu đến Tây Bắc, 9 độ C là quá đủ để có thể cảm nhận hết về một Sa Pa của những ngày đầu đông.

Tại sao lại gọi là Sa Pa? Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức "bãi cát" do trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ "Sa Pả", người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa.

Đến với Sa Pa lần đầu tiên hay có thể là nhiều lần sau đó nữa thì chắc chắn bạn cũng vẫn cứ bỡ ngỡ về một vẻ đẹp liêu trai mà chỉ Sa Pa mới sở hữu được. Những ngôi biệt thự cổ của người Pháp để lại cạnh những ngôi nhà hiện đại hay những con đường lát đá chạy quanh thị trấn vào đông như khoác thêm một bộ váy màu xám bạc từ lớp sương dầy đặc. Từng lớp sương sà sát mặt đất, chạy quanh những con đường, len lỏi vào từng ngõ ngách Sa Pa, đậu trên vai người hay tinh nghịch chơi trò cướp bắt với du khách bằng cách che khuất tầm nhìn của họ…

Đến Sa Pa, bạn nhất định phải leo lên sân ngắm mây của khu du lịch Núi Hàm Rồng ở độ cao khoảng 1.800m để phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thung lũng Sa Pa huyền ảo thoắt ẩn thoắt hiện trong những cụm mây trắng bồng bềnh theo gió. Để thi nhau đoán hình dạng những đám mây muôn hình vạn trạng thông dông bay trên bầu trời như thách thức trí tưởng tượng của du khách. Rồi thả mắt ngắm nhìn ngọn núi hùng vĩ mang dáng dấp rõ nét của một chiếc đầu rồng tạc bởi thiên nhiên.

Đêm ở Sa Pa lạnh khủng khiếp, sương phủ trắng khắp thị trấn. Người người qua lại, tay nắm tay giấu mình trong những chiếc áo bông dày cộm. Người áo vải phong phanh thì co cúm rúm người lại giữa cái lạnh 9 độ C. Tôi đi giữa dòng người đó, thích thú trước từng làn khói mỏng thoát ra từ cổ họng tựa như mấy bác hàng xóm đứng tuổi vẫn ngồi với nhau phê pha rít vài ngụm thuốc lào rồi phì phào thở khói tràn ra khỏi miệng. Tôi bước chân trên những con đường lát đá, cố nhìn nhân dạng của người bạn đi trước mình vài bước chân bị lớp sương dầy che mất.

Hai bên đường bày la liệt những manh vải chất đầy thổ cẩm dệt bằng đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Dao và H'Mông. Các bà, các chị giọng ngọng nghịu như con nít mới tập nói rối rít mời khách mua hàng. Tất cả họ đều đã đi một quãng đường rất dài từ những bản làng ẩn sau những dãy núi để đến được trung tâm thị trấn. Những món thổ cẩm màu sắc sặc sỡ đặc trưng vùng cao mà giá lại rẻ như cho vì người dân tộc chẳng ai nói thách bao giờ chắc chắn sẽ lôi kéo sự chú ý của bạn. 

Sa Pa không chỉ lôi cuốn tôi bởi vẻ đẹp hệt một bức tranh vẽ chì hay những món hàng thổ cẩm và những lời mời gọi ngọng nghịu mà dễ thương của người dân tộc mà còn thu hút tôi bởi những món ngon của nơi này. Thật không gì bằng nếu vào những đêm lạnh đến có thể là âm độ, bạn ngồi cùng bạn bè quây quần bên bếp lửa đỏ than chờ người bán hàng nướng chín một quả bắp hay một củ khoai. Cầm chúng lên qua lớp bao tay dầy mà vẫn thấy nóng hôi hổi. 

Một người bạn của tôi khi từ Sa Pa trở về đã viết lên trang mạng xã hội của anh ấy dòng cảm xúc “Đến Sa Pa hãy ăn thịt nướng!” kèm theo tấm ảnh những xiên thịt ngon lành xì xèo trên bếp than hồng. Đúng vậy, món thịt nướng ăn kèm lá ô dây chua chấm tương là ngon nhất rồi. Lá ô dây giòn giòn, chua chua ăn thích ơi là thích. Một món nữa mà nếu đến Sa Pa chưa thưởng thức qua là một thiếu xót lớn, hãy ngồi cùng nhau bên nồi Thắng Cố nghi ngút khói vừa nhâm nhi vài ly rượu táo mèo vừa hàn thuyên cùng bằng hữu để thưởng thức trọn cả một Sa Pa vào lòng. Vì người ta chẳng vẫn thường hay bảo, để hiểu rõ một nơi nào đó, cách tốt nhất là thưởng thức nền ẩm thực của nơi đó hay sao?
Read More

1 thg 1, 2016

2015

1. Lẽ ra tôi đã viết những dòng này vào tối hôm qua nhưng đầu óc tôi bắt đầu mù mị vào những tháng gần đây. Tôi không thể làm chủ được hành vi, tôi không thể suy nghĩ được bất cứ thứ gì một cách sâu sắc và tôi cũng không viết ra một đoạn cho rành mạch được. Nói cho chính xác hơn, tôi đang bước vào giai đoạn hoàn tất tiến trình trở thành một thằng ngu.

Hôm qua là giao thừa, mọi người trên khắp thế giới đổ xô ra đường. Chen mình vào đám đông cố tìm cho ra một chỗ đứng đẹp để đếm ngược từ 10 đến 0 và căng mắt ngắm nhìn những chùm tia lửa chớp ngoáng nổ phập phồng trên bầu trời chưa đến vài giây. Những con người ngớ ngẩn làm những việc ngớ ngẩn nhằm tống khứ cái năm 2015 cũ kĩ cứ như thể nó khủng khiếp như một cái băng vệ sinh sử dụng rồi bị chó lôi ra khỏi thùng rác. Có phải có cũng đã đối xử tệ bạc với họ như nó đã làm với tôi?

2. Dạo này tôi buồn quá. Bà tôi vừa mất cách đây không lâu. Chẳng ai trong gia đình tôi nghĩ rằng bà sẽ qua đời dù chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận việc này từ rất lâu rồi. Với Ngoại, tôi không có quá nhiều kỉ niệm để nhớ về, thậm chí ngay cả một tấm ảnh chụp chung cũng không hề có. Những hôm về ngoại chơi, tôi cũng không dành nhiều thời gian để ngồi lại nói chuyện với bà. Cũng chưa từng có cử chỉ âu yếm nào đáng để nhớ đến. 

Kí ức về bà chỉ vỏn vẹn trong những buổi chiều tà chở mẹ về thăm ngoại, thấy bà chăm chú ngồi rà đài xổ số trên radio cũ. Hay những hôm mẹ dúi chiếc hộp đồ ăn hối thúc đem về cho ngoại kịp buổi cơm chiều. Nhiều lần đến nỗi chỉ cần thấy tiếng xe tôi dừng ở đầu ngõ, bà đã  hỏi vọng ra "hôm nay mẹ mày cho tao ăn cái gì đó?". Kí ức về bà mà tôi nhớ về là lúc còn bé thơ, những đêm có gánh hát diễn, mẹ dắt đi xem là dáo dát tìm gánh cháo lòng của ông bà ngoại. Tôi chỉ nhớ về bà có thế, chỉ có thế. Tôi là một thằng cháu tồi, rất tồi phải không?

Có những thứ trên cuộc đời này mà khi ta mất đi rồi mới cảm thấy nó quý giá vô cùng. Giờ đây có những hôm nhớ bà khủng khiếp, tôi cùng mẹ về thăm ngoại, chiếc giường ngoại tôi nằm vẫn đặt ở góc bên phải nhà, chiếc võng ngoại hay ngồi rà đài vẫn đặt bên cạnh chiếc giường. Mọi thứ cứ vẹn nguyên như chẳng hề có sự mất mác nào đã từng diễn ra trong căn nhà đó, như thể bà chỉ đang đi đâu đó chưa về. Duy nhất chiếc bàn đặt di ảnh ngoại tôi và chiếc lư hương nghi ngút khói là nhắc nhớ con cháu rằng bà chúng mày đã đi xa thật rồi và chẳng bao giờ chúng mày còn có thể gặp bà thêm một lần nào nữa.

3. Cái số 3 này tôi định sẽ viết về chuyện tình cảm. Về thằng bồ đáng ghét và con vợ sắp cưới của anh ta. Nhưng tôi không biết phải viết như thế nào để để mọi người đều tin rằng năm 2015 của tôi thật sự là một năm tệ  hại. Chỉ có thế chốt bằng một câu: tôi vẫn còn quan hệ tình cảm với anh ta, tôi đã và đang chia sẻ tình cảm của mình với một người khác.
Read More

18 thg 11, 2015

Bồi nại


Nhà tôi và nhà nội cách có một tấm tường. Bà cũng không phải nội tôi, là em của bà nội ruột. Nội tôi mất khi tôi chưa ra đời, ba dạy tôi kêu bà là nội. Bà nội thương tôi và tôi cũng thương nội.

Cả cuộc đời nội là một câu chuyện dài. Ông cố có tận 9 người con gái. Mỗi người trong số họ là một câu chuyện đời buồn. Nội là con gái út và người đẹp nhất trong số 9 chị em. Nghe các cô sau này kể lại, ngày trước nội đẹp nức tiếng một vùng. Ông bà ta có câu “hồng nhan bạc phận”. Biết bao nhiêu chàng trai trong vùng đến hỏi cưới nhưng cố lúc ấy muốn bắt rể và nội thì kén nên không nhận lời ai.

Cuối cùng các chàng cá độ với nhau xem ai có thể cưa đổ được nội, trong đó một ông lính người Miên chấp nhận thách đố. Các cô kể, ông ta có vẻ ngoài rất xấu, mặt đen đúa lồi lõm khó coi. Nhưng người Miên thì biết dùng ngãi... Chuyện tiếp theo rất dài nhưng cuối cùng thì ông lính kia sau khi đạt được mục đích thì bỏ đi. Cái thai trong bụng nội cũng hư luôn. Từ đó về sau, nội không lấy ai nữa.

Cả một tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh của nội. Người phụ nữ nghị lực phi thường. Một mình có thể gánh chục thùng nước, gánh những vất vả và gánh cả nỗi đau âm ĩ chảy từ quá khứ xa xôi.

Tôi nhớ những ngày còn thơ bé theo nội đi trên con đường có những cánh đồ lúa xanh rì vào gò trồng rau. Nằm trên tàu lá chuối nội cẩn thận lót nhìn ngắm trời xanh. Chiều buông xuống còn ngây thơ hỏi nội:

- Nội ơi, con châu chấu sao giờ vẫn chưa về nhà hả nội? Nó không có mẹ nên không về nhà hả nội? Tội nó quá nội ha.

Tôi nhớ cũng hôm cuối ngày hay đứng ở cửa bên hông nhà kêu thất thanh “Nội ơi qua nhà con!”. Sau đó ngồi chiễm chệ trong lòng nội, kể cho nội nghe một danh sách thực đơn dài những món tôi đã ăn trong ngày. Đều đặn ngày nào cũng vậy…

Tôi nhớ những câu đố láy của nội. Mỗi đêm trước khi ngủ bao giờ cũng úp vào ngực nội giục nội đố thì mới chịu ngủ: Này thì "chái hu" là "chú hai", này thì "thái hiêm" là "thiếm hai", "bồi nại" là "bà nội", ... Hay những câu thơ nội dạy đến giờ tôi vẫn thuộc nằm lòng:

"Cây tre cầm cuộn đám ruộng bỏ hoang.
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy.
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông.
Giấy trôi sông người ta còn vớt.
Bậu lỡ thời như ớt chín cây,
Ớt chín cây người ta còn hái.
Bậu lỡ thời như nhái lột da,
Nhái lột da người ta còn bắt.
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên,
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh.
Bậu lỡ thời như cánh chim bay,
Cánh chim bay người ta còn bắn.
Bậu lỡ thời như rắn cụt đuôi,
Rắn cụt đuôi người ta còn sợ.
Bậu lỡ thời như nợ kéo lưng,
Nợ kéo lưng người ta còn trả.
Bậu lỡ thời như lửa cháy lan,
Lửa cháy lan người ta còn tưới.
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang.
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn.
Bậu lỡ thời ai muốn bậu đâu!”

Hay:

"Tập tầm vông
Chị lấy chồng, em ở goá
Chị ăn cá, em mút xương
Chị nằm giường, em nằm đất
Chị hút mật, em liếm ve
Chị ăn chè, em liếm bát
Chị coi hát, em vỗ tay
Chị ăn mày, em xách bị
Chị làm đĩ, em xỏ tiền
Chị đi thuyền, em đi bộ
Chị kéo gỗ, em lợp nhà
Chị trồng cà, em trồng bí
Chị tuổi tí, em tuổi thân
Chị tuổi dần em tuổi mẹo
Chị ăn kẹo, em mút cây..."

Tôi nhớ tiếng đập muỗi bình bịch bên ván cờ gánh của hai bà cháu mỗi tối. Vẽ ô cờ trên miếng gạch tàu đẹp nhất trong nhà, hai bà cháu ra đường nhặt đá xanh đá đỏ vào xếp thành quân. Bao giờ tôi cũng thắng. "Chẹt" được một quân hay "gánh" được hai quân của nội, nội lại cười lớn giòn tan. Tiếng cười đó và cả mùi nhan trầm từ chiếc bàn thờ gỗ phía sau lưng, tôi giờ tựa hồ vẫn còn nhớ rõ...

Tôi nhớ những ngày gần giáp Tết. Nội dắt tôi đến miếng ruộng phía trước nhà đã được nội lên giồng giậm nấm. Nội phủ rôm sẵn. Tưới nước rồi bắt tôi giậm lên trên. Nhớ cái lạnh của nước từ thùng tưới rót xuống chân. Nhớ cái nham nhám, êm êm của rôm rạ. Nhớ tới cái lúc mắc tè đái tại chỗ. Nhớ cái tết năm đó, nấm rôm nội tôi trồng thu hoạch nhiều vô kể.

Tôi nhớ vết xẹo dài trên trán phải là do hấp tấp đi tìm nội mà bị đập đầu xuống đá. Vết xẹo nội hay suýt xoa, vết xẹo theo tôi đến suốt cuộc đời. Vết xẹo tôi đã chỉ với chú công an lúc làm chứng minh thư.

Tôi nhớ những hôm mẹ vào mùa cấy, nội rước tôi về từ trường mẫu giáo. Bà nhát gan không dám chở, cứ để tôi ngồi phía yên sau xe dẫn bộ về. Đoạn đường thì xa tít mặc cho tôi có cố kèo nài thế nào đi nữa.

Tôi cũng nhớ mỗi tối hai bà cháu canh giờ cùng coi Trúc Xanh của cô Đỗ Thụy dẫn. Cùng đoán thành ngữ với nhau. Hay những trưa mẹ vắng nhà ở cùng nội nghe cải lương. Lúc chú Minh Vương hay cô Lệ Thủy lên câu vọng cổ là tôi bịt tai lại không nghe.

Tôi nhớ những lời hứa mà nội hứa khi cầm tiền trên tay mua tờ vé số. “Trúng số nội mua hết chợ Bình Chánh, hết chợ Sài Gòn cho con”... Lời hứa từ lúc tờ vé số còn bán giá 2 ngàn mà đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.

Tôi nhớ lúc tôi đi học xa nhà. Mỗi lần nhớ nhà da diết là xách xe chạy về. Bao giờ cũng chạy qua nội trước tiên. Thằng nhỏ ngày nào giờ lớn xác quá chừng mà vẫn được nội hun chùn chụt lên má. Khẽ thì thầm: “Nội khấn ông nội bà nội mày cho mày nhớ nhà mà về không ở trên đó lâu...”

Tôi nhớ một lần đột xuất về nhà thấy nội ngồi giầm hộp sữa Anline đã bón cục mà pha uống. Lặng người rồi rồi tìm chỗ khóc hết nước mắt. Lòng tự hứa sau này đi làm kiếm tiền sẽ không cho nội sống khổ như vậy nữa.

Tôi nhớ cái lưng còng đi lại chậm chạp. Mỗi lần tôi hay trêu. Nhảy lên nhảy xuống bậc tam cấp nhiều lần rồi nói nội:

- Nội làm giống con vầy nè có được không?- Rồi cười kíp mắt nghe nội mắng
- Thằng cha mày, tao cỗng mày nhảy 800 cái còn được.

Giờ thì thì nội nằm đang một chỗ vì cột sống bị thoái hóa nặng do những năm tháng làm việc quá sức. Bác sĩ cũng bảo nội bị ung thư giai đoạn cuối. Hôm đi khám ở bệnh viện người ta khuyên nội sang bệnh viện Ung Bướu tiếp nhận hóa trị. Nội nhất quyết không đi bảo sống đến 70 tuổi là quá nhiều rồi. Một cuộc đời dài đi qua bao chông gai sao cuối đời vẫn không được thanh thản?

Tối nay con cháu gái nhỏ nắm tay tôi thủ thỉ hỏi:

- Sao bà cố ngủ sớm quá vậy Út?
- Bà cố ngủ sớm vì bà cố bị bệnh mà con.
- Chừng nào bà cố hết bệnh, bà cố thức khuya hả Út?
- Ừm
- Vậy chừng nào bà cố mới hết bệnh?

Con nhỏ hỏi có vậy thôi mà tôi buồn quá chừng. Tôi từ nhỏ đã không có bạn, lớn lên bên bà và mẹ. Có thể nói hai người phụ nữ đó là cả tuổi thơ tôi, là tình yêu thương lớn nhất mà tôi có được. Tôi đã quá vô tâm khi lớn lên mà không biết rằng họ sẽ già đi mất. Tự dung cảm thấy cả tuổi trẻ của mình là một tội ác. Nước mắt tự dưng rớt xuống.

Nôi ơi, nội ráng mau hết bệnh. Đợi con đi làm có tiền mua hết chợ Bình Chánh, hết chợ Sài Gòn cho nội, nội nghen...
Read More

11 thg 10, 2015

Happy Together




"Với tôi, hạnh phúc bên nhau có thể là giữa hai người, cũng có thể là giữa một người và quá khứ của anh ta. Tôi nghĩ, một lúc nào đó khi một người có thể yên bình với quá khứ của bản thân, đó là thời điểm cho sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, có thể đem đến hạnh phúc trong tương lai..."

-Vương Gia Vệ-

Read More

7 thg 10, 2015

Wanna play me, huh? =))



P.S: Thằng bạn đè ra vẽ henna hay hentai qq gì đó. Tôi có cute hem? :))



Read More

3 thg 10, 2015

:))


Đưa tôi cái máy tính, tôi sẽ kệ mẹ cả thế giới :)))

Read More

© 2011 Welcome to my funeral, AllRightsReserved.

Designed by ScreenWritersArena