Những năm bắt đầu một cuộc sống bắt ép con người ta phải lớn mau, trưởng thành nhanh. Tôi ngắm nhìn những chiếc đèn ong sao xanh đỏ tím vàng được người bán treo khắp các đường phố lớn nhỏ nơi chiếc xe buýt chở tôi đi ngang qua, tôi lại nhớ về những ngày Tết Trung thu của tuổi thơ mình. Thấy xót xa đông đầy cả buồng phổi...
Mười chín năm, mười chín cái mùa Trung thu đi qua, tôi chưa bao giờ biết cái thú đi chơi Trung thu là cái bu gì. Ba tôi làm công chức nhà nước, mỗi năm tới ngày này là lại quăng về cho tôi một chiếc đèn lồng Trung thu tự đốt lên tự chơi. Xóm tôi ở không có con nít nên những năm đầu biết nhận thức, tôi thắp nến lên rồi đi vòng vòng tự hát một mình. Thấy trăng trên cao và mình sao lẻ loi đến là giống nhau. Những năm kế tiếp, tôi không còn cái hứng thú đó nữa, tôi treo chiếc đèn lồng của mình trước nhà rồi ngồi ngắm. Chán lại thổi tắt nến rồi đi ngủ. Trăng vẫn lẻ loi trên trời cao, tôi vẫn lẻ loi ở dưới đất.
Năm cuối cùng trước khi từ giã tuổi thơ bước vào tuổi dậy thì, ba lại quăng về cho tôi một chiếc đèn lồng. Chiếc đèn này khác những chiếc còn lại, đó là một con Pikachu màu vàng biết hát và nhấp nháy đèn bắt mắt chạy bằng pin. Loại hàng Trung quốc rẻ tiền. Chiếc đèn lồng giờ chẳng còn hứng thú gì với tôi nữa, tôi đâm ra chán ghét tiếng hát nheo nhéo bên trong đó. Thế là tôi mạnh tay một xíu rồi nó vỡ tanh bành. Tôi không biết trăng khi đó có tròn không vì tôi cũng chẳng còn hứng thú ngắm trăng như trước nữa.
Tuổi thơ tôi đi qua cùng với chiếc đèn lồng Trung thu. Là những nỗi cô đơn và thèm khát mỗi khi xem truyền hình chương trình "Vườn âm nhạc", thấy những đứa trẻ con trên màn ảnh nhỏ xíu xiu nhảy múa ca hát. Thấy người ta bày một mâm cỗ đầy đồ ngọt quây quần bên nhau cười nói, thấy những chiếc đèn đủ màu sắc thi thố nhau khoe khoang vẻ đẹp đẽ của mình. Tiếng cười giòn tan ngày Tết Đoàn viên tựa như muốn bóp nghẹt trái tim và lòng ghen tức của tôi. Rồi tự nhiên cảm thấy muốn đập nát chiếc TV cho cùng cảnh ngộ với con Pikachu nọ.
Nhắc những chuyện tuổi thơ ngày trước bỗng dưng chẳng còn chút vui vẻ. Nếu không là bị bạn bè trêu chọc, cho ra rìa thì cũng là bị đánh, chơi khăm. Bản thân lúc nào cũng nươm nướp lo sợ với cảm giác không an toàn. Một đứa nhỏ 9-10 tuổi bao giờ cũng phải canh chừng những cử chỉ của bản thân để tránh bị soi mói châm chọc, lúc nào cũng cố gắng lắng tai nghe ngóng mọi người xung quanh để xem có ai nói xấu mình không. Trốn một góc nhỏ rồi khóc một mình để chẳng ai biết. Về nhà nói dối với mẹ bạn này thân với con thế này, bạn này tốt với con thế nọ mà chẳng bao giờ tìm nỗi một người bạn thân...
Tuổi thơ là một chuỗi những ngày chơi ngoài sân một mình, tự nói chuyện với những chú siêu nhân gao. Tuổi thơ là những ngày mẹ nhốt ở trong nhà rồi khóa ngoài đi ra đồng. Nhìn ngắm chốn chơi quen thuộc trước sân qua những khung cửa sổ. Tuổi thơ là những khi mừng rỡ có cô cháu gái bằng tuổi từ xa về chơi cùng. Là khóc nất những buổi chiều nó phải theo mẹ trở về. Tuổi thơ là những dịp Trung thu vui vầy thế này, ngồi chống tay lên cằm nhìn ngắm chiếc lồng đèn của mình đơn độc chập chờn phát sáng.
Bây giờ lớn khôn, tôi thấy mình cũng chắng khác gì ngày bé. Tự chất gạch xây cho bản thân một thế giới riêng tách biệt không ai chạm tới được. Là nhìn những người mình yêu quý bỏ rơi mình ra đi mà bất lực. Như chiếc đèn lồng đẹp đẽ mà cô độc phải chịu sự ghẻ lạnh của chủ nhân mình. Cô đơn lẽ ra phải là của chú đơn mới phải...
Vậy ra cậu Khoai vẫn chưa bao giờ rước đèn đêm trăng và háo hức xem múa lân rồi.
Trả lờiXóaVà lớn lên Khoai lại làm bạn với cô đơn và góc khuất của mình.